Kho tài liệu Thư viện Quốc gia Pháp

Thư viện Quốc gia Pháp
Trữ lượng tài liệu năm 2005
Sách và ấn phẩm13 triệu
Bản thảo250.000 tập
Ấn bản định kỳ350.000 tựa
Bản in12 triệu
Bản đồ800.000
Bản chép nhạc2 triệu
Âm thanh1 triệu tài liệu
Video98.000 tài liệu
Đa phương tiện80.000 tài liệu
Tiền và huy hiệu530.000 vật phẩm  
Văn bản số117.000
Hình ảnh số250.000
CD và dữ liệu229 tựa
Báo điện tử2.600 tựa
 Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp[55]

Trải qua hơn 6 thế kỷ, từ bộ sưu tập gần một nghìn bản chép tay của Charles V năm 1368, Thư viện Quốc gia Pháp ngày nay sở hữu khoảng 13 triệu cuốn sách, tổng số đơn vị lưu trữ lên tới con số hơn 30 triệu.[55] Không chỉ là thư viện lớn nhất nước Pháp, Thư viện Quốc gia Pháp còn là một trong những thư viện quan trọng nhất trên thế giới, bên cạnh Thư viện Quốc hội Hoa KỳWashington, Thư viện AnhLuân Đôn, Thư viện Quốc gia Tây Ban NhaMadrid, hay Thư viện Quốc gia NgaSankt-Peterburg...

Những cuốn sách thư viện có được ngày nay mang nhiều nguồn gốc xuất xứ. Đầu tiên, có lẽ phải kể tới những cuốn sách chép tay được đóng theo yêu cầu hoàng gia Pháp. Năm 1537, sắc lệnh lưu chiểu do François I ban hành giúp thư viện có thêm một nguồn tài liệu quan trọng. Trong suốt thế kỷ 19, số lượng sách nộp lưu chiểu tăng mạnh mẽ và ngày nay trở thành nguồn tài liệu chính của thư viện. Không chỉ riêng những ấn phẩm, từ năm 1993, quy chế lưu chiểu còn áp dụng cho cả dữ liệu số và thông tin xuất bản trên Internet.[56] Riêng trong năm 2008, Thư viện Quốc gia Pháp đã nhận được 69.958 cuốn sách, 321.991 ấn phẩm định kỳ, 836 triệu tập tin cùng nhiều tài liệu dạng khác.[57] Nguồn bổ sung tài liệu quan trọng thứ hai của thư viện chính là những hoạt động mua bán. Nếu như quy chế lưu chiểu chỉ giúp thư viện có thêm những ấn phẩm mới xuất bản thì hoạt động tìm mua tài liệu lại bổ sung cho bộ sưu tập những cuốn sách của tất cả những thời kỳ, tất cả những lĩnh vực, trong đó không ít tư liệu quý hiếm. Vào năm 2002, thư viện đã trả 489.750 euro trong một cuộc đấu giá của Sotheby's để giành quyền sở hữu tấm ảnh cổ nhất được biết đến trong lịch sử nhiếp ảnh, tác phẩm của nhà phát minh Nicéphore Niépce.[58] Ngày nay, mỗi năm Thư viện Quốc gia Pháp mua thêm khoảng 60 nghìn cuốn sách.[56] Bên cạnh đó, những tặng phẩm, di vật và trao đổi tài liệu cũng giúp thư viện làm giàu thêm bộ sưu tập sách.

Kho tài liệu của Thư viện Quốc gia Pháp hiện nay được chia thành 14 phòng lưu trữ (département), đặt tại 5 địa điểm. Richelieu-Louvois, địa điểm lịch sử ở trung tâm thành phố, được dành cho những bộ sưu tập đặc biệt: nghệ thuật trình diễn, bản đồ, tranh in và nhiếp ảnh, âm nhạc, bản thảo, huy hiệu và tiền cổ cùng các tài liệu thư mục. Những lĩnh vực chính phần lớn nằm trong các tòa nhà của thư viện François-Mitterrand, thuộc các phòng lưu trữ: Lịch sử, triết học và khoa học nhân văn; Luật, kinh tế và chính trị; Khoa học và công nghệ; Văn học và nghệ thuật. Địa điểm François-Mitterrand cũng được dành cho các phòng Lưu trữ sách quý hiếm, Tài liệu thính thị và Nghiên cứu thư mục. Để bảo quản tốt nhất bộ sưu tập, các không gian lưu trữ ở đây luôn được giữ trong điều kiện độ ẩm 50% và nhiệt độ 18 độ C.[59]

Trong 13 triệu cuốn sách của Thư viện Quốc gia Pháp, khoảng 600 nghìn cuốn được mở cho công chúng tự do tiếp cận.[55] Thư viện cũng đã số hóa đưa lên Gallica 115.745 chuyên khảo, 3.517 tựa ấn phẩm định kỳ, 5.008 bản đồ, 1.056 tài liệu âm thanh, 4.164 bản viết tay, 2.127 bản chép nhạc cùng 111.644 hình ảnh.[60] Là một trong những thư viện quan trọng nhất thế giới, Thư viện Quốc gia Pháp lưu giữ rất nhiều tài liệu giá trị và đặc biệt quý hiếm, không chỉ tiếng Pháp mà còn hàng trăm ngôn ngữ khác. Trong các kho lưu trữ của thư viện, có thể tìm thấy những bản thảo của các nhà văn danh tiếng, hàng nghìn những cuốn sách được xuất bản vào giai đoạn sơ khai của nghề in, những bản chép tay Kinh Thánh, những tấm bản đồ cổ... Không ít những tài liệu của Việt Nam, trong đó có cả 75 tựa sách chữ Hán-Nôm quý hiếm, cũng đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.[40]